Một mùa hè mà không…
8 Tháng Năm, 2023
Những vấn đề về “con người công nghệ” được chia sẻ trong buổi nói chuyện với chủ đề “Gen Z chưa qua Gen Alpha đã tới” do VNPR, UAN phối hợp tổ chức vào sáng 28.3 tại TP.HCM.
Chia sẻ trong buổi nói chuyện, thạc sĩ Trần Lê Quỳnh Anh, giảng viên khoa Thiết kế truyền thông, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (UEH), cho biết “lứa tuổi già nhất” của Thế hệ Alpha là 12-13 tuổi, tức sinh năm 2010. Thời điểm này cũng chính là sự xuất hiện của iPad và Instagram. Đây là thế hệ được sinh ra trong thời đại công nghệ và số hóa hoàn toàn nên có sự sáng tạo, linh hoạt và khả năng thích nghi với các công nghệ mới.
“Thế hệ này được sinh ra và lớn lên trong một thế giới kết nối với sự phổ biến của các thiết bị di động và mạng internet. Vì vậy, họ có khả năng sử dụng công nghệ mới một cách tự nhiên hơn các thế hệ trước đó. Đồng thời, họ có xu hướng tiếp cận các nền tảng trực tuyến và học tập thông qua những ứng dụng và nền tảng trực tuyến hơn…”.
Tuy nhiên, thạc sĩ Quỳnh Anh lưu ý: “Những người trẻ của thế hệ này có nguy cơ dễ dàng phụ thuộc vào công nghệ nếu không được giáo dục cách sử dụng nó một cách hợp lý. Họ còn dễ dàng bị mất kết nối với thế giới thực, không sẵn sàng mở mình đón nhận những thứ bên ngoài, đánh mất mình trong một góc của chính các bạn… nếu không có khả năng tương tác với những người xung quanh”.
Từ khía cạnh giáo dục xã hội, bàNguyễn Chi Lan, nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Axiom Academy, nhìn nhận: “Con người công nghệ – người sinh ra và lớn lên cùng công nghệ, là đặc trưng chung của cả Gen Z và Gen Alpha. Bởi các bạn đang sống trong xã hội kết nối đa thực tế và trên mạng xã hội, đó là một thực tế”.
So sánh sự khác biệt của 2 thế hệ này, bà Chi Lan cho rằng thế hệ Z muốn được lắng nghe và muốn làm mọi thứ để được lắng nghe. Đi tìm bản chất sự thật là động cơ của mọi hành vi của Gen Z. Trong khi đó, Gen Alpha có những điểm khác biệt bởi sự tiến bộ và cởi mở. Nếu thế hệ xưa tìm kiếm thông tin qua việc đọc sách thì nay các bạn còn có khả năng kiểm tra chéo các nguồn thông tin khác nhau và có tính phản biện rất cao. Với công nghệ hiện có, các bạn có thể tự học, tự tìm hiểu thông tin nên rất tiến bộ và cởi mở, theo bà Chi Lan.
“Tuy nhiên, cha mẹ cũng rất lo lắng cho những đứa con thuộc Gen Alpha. Chính vì mức độ tiếp cận công nghệ thông tin từ khi còn quá nhỏ nên các con chưa có khả năng sàng lọc, rủi ro sẽ là dễ bị tiếp cận và ảnh hưởng bởi những thông tin trái chiều quá sớm”.
Đặt một câu hỏi trong buổi nói chuyện, bà Nguyễn Chi Lan nói: “Chúng ta phải tham gia vào tương lai như thế nào? Gen Alpha chắc chắn sẽ thay đổi thế giới, tôi tin như vậy. Nhưng các bạn có thay đổi thế giới một cách tích cực hay không thì phụ thuộc vào sự hỗ trợ giúp đỡ của các thế hệ đi trước rất nhiều”.
Chuyên gia này phân tích, trong 5 năm nữa có nhiều nghề nghiệp biến mất và nhiều nghề nghiệp mới sẽ xuất hiện. “Chúng ta đang chuẩn bị cho một thế giới hoàn toàn mới với những nghề nghiệp chưa từng có. Vì thế, chúng ta cần thay đổi hệ thống giáo dục phù hợp với tương lai, chuẩn bị cho thế hệ sau khả năng tự định hướng và đưa ra quyết định. Muốn vậy, trẻ nhỏ cần được chuẩn bị khả năng tự nhận thức, tư duy phản biện, kỹ năng hợp tác”, bà Chi Lan nói.
Thạc sĩ Trần Lê Quỳnh Anh cho rằng thế hệ Gen Alpha có xu hướng thích học tập tương tác và trải nghiệm thực tế hơn. Họ cần được thúc đẩy để khám phá và tìm hiểu thế giới xung quanh mình thông qua các hoạt động, trải nghiệm và dự án học tập thực tế.
“Ngoài ra, các chuyên ngành liên quan đến môi trường, y tế và công nghệ cũng sẽ nóng trong tương lai. Do đó, Gen Alpha cần được khuyến khích và đào tạo trong những lĩnh vực này để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động tương lai”, thạc sĩ Quỳnh Anh bày tỏ ý kiến.
Thạc sĩ Quỳnh Anh cũng đặt ra một vấn đề tương tự: “Làm thế nào để Gen Alpha không bị thay thế bởi máy móc và công nghệ hiện đại và cần chuẩn bị những gì cho thế hệ này?”.
Câu trả lời chuyên gia này đưa ra là giáo dục, kỹ năng sống chủ động, kỹ năng sống và thích nghi với môi trường thay đổi. Trong đó, giáo dục là yếu tố quan trọng giúp Gen Alpha phát triển tư duy phản biện, kỹ năng tư duy logic, sáng tạo, tư duy phân tích và kỹ năng giải quyết vấn đề. “Ngoài ra, chúng ta cần chú trọng giáo dục về giá trị đạo đức, tôn trọng và đa dạng hóa văn hóa, giúp trẻ phát triển đầy đủ các khả năng về nhân cách, tư duy, kỹ năng và sự đồng cảm”, thạc sĩ Quỳnh Anh nói.
Leave a Comment